Chỉ mất khoảng 10s để tách vàng từ rác thải điện tử, dung dịch các nhà khoa học Canada tìm ra còn khá thân thiện với môi trường. Dự kiến, phương pháp này có thể làm thay đổi ngành công nghiệp sản xuất vàng.
Các nhà khoa học Canada pha chế thành công loại dung môi giúp tách vàng từ rác thải điện tử nhanh hơn, an toàn hơn với chi phí rẻ hơn.
Theo Tech Times, hơn 50 triệu tấn rác điện tử được thải ra trên thế giới mỗi năm và 80% chất đống ở bãi rác. Nhóm nghiên cứu của Stephen Foley, phó giáo sư khoa Hóa học ở Đại học Saskatchewan, Canada, đã tìm ra phương pháp tách vàng từ rác thải điện tử không chỉ khả thi về mặt kinh tế mà còn thân thiện với môi trường. “Phương pháp này có thể làm thay đổi ngành công nghiệp sản xuất vàng”, Foley khẳng định.
Vàng là một nguyên tố hóa học khó hòa tan, thẩm tách lấy lại hình dáng. Việc đào vàng đòi hỏi một lượng lớn hóa chất natri xyanua có hại cho môi trường. Vàng có thể được thu lại bằng cách tái chế các mạch điện và con chip máy tính trong rác thải điện tử, nhưng quá trình này vừa tốn kém vừa tác động xấu đến môi trường.
Giải pháp mà nhóm nghiên cứu của Foley tìm ra là kết hợp axit acetic với một lượng nhỏ axit khác và một chất oxy hóa. Nhờ dung dịch này, quá trình tách vàng có thể diễn ra trong những điều kiện không gây hại cho môi trường. Nó cũng hòa tan vàng trong rác điện tử rất nhanh chóng, giúp tăng hiệu quả quá trình tái chế.
Việc tách vàng từ mạch điện tử chỉ kéo dài khoảng 10 giây, tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay. Để tách một kilogram vàng từ bảng mạch điện tử, phương pháp truyền thống tiêu tốn 5.000 lít aqua regia, hỗn hợp giữa axit nitric và axit clohydric. Với phương pháp mới, các nhà nghiên cứu chỉ cần dùng 100 lít dung môi do họ tạo ra. Lượng dung môi cần thiết để tách một kilogram vàng chỉ có giá 50 USD và có thể tái sử dụng liên tục.
Nhờ rẻ hơn, nhanh hơn và an toàn hơn, dung môi do Foley và đồng nghiệp phát triển có thể cách mạng hóa quá trình tách vàng. Ở bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ tìm cách đưa dung môi vào ứng dụng trên quy mô lớn để tái chế vàng.
Nguồn ScienceDaily/VnExppress